Giáo dục Cư Pui: Đi lên từ gian khó

Lượt xem:

Đọc bài viết

      Cư Pui là xã vùng sâu của huyện Krông Bông. Công tác giáo dục gặp rất nhiều khó khăn. Thiếu thốn về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên; học sinh bỏ học nhiều, chất lượng giáo dục thấp. Đến nay Cư Pui đã trở thành điểm sáng về xây dựng cơ sở vật chất trường học và nâng cao chất lượng giáo dục.

Điểm trường Tiểu học Cư Pui 2 được xây dựng từ nguồn vốn của Nhà nước và nguồn vốn tài trợ

      Cư Pui hiện là địa phương có số lượng học sinh ở các cấp học đứng đầu huyện Krông Bông với 4.016 học sinh, trong đó học sinh dân tộc thiểu số chiếm trên 80%. Trước năm 2000, khi nói đến khó khăn trong công tác giáo dục thì người ta nghĩ ngay đến xã Cư Pui. Cơ sở vật chất vốn đã thiếu thốn, tạm bợ thì hơn 1.000 hộ dân với hơn 6 ngàn khẩu đồng bào Mông ồ ạt di cư từ các tỉnh phía Bắc vào dẫn đến phòng học, giáo viên thiếu trầm trọng. Khó khăn nhất là trường Tiểu học Cư Pui 2. Trường có 6 điểm trường lẻ, 61 lớp, 1.580 học sinh. Phòng học chủ yếu là tạm bợ. Để các em được đi học, địa phương đã phải vận động người dân đóng góp tiền mua đất và hàng ngàn ngày công dựng phòng học, làm bàn ghế tạm. Do điều kiện học tập gặp nhiều khó khăn, vốn tiếng Việt của học sinh dân tộc thiểu số hạn chế nên tỉ lệ học sinh lưu ban, bỏ học hàng năm rất cao, nhiều trẻ em trong độ tuổi chưa được đi học. Trường Mẫu giáo Cư Pui có đến 13 điểm trường lẻ. Địa bàn rộng, cơ sở vật chất thiếu thốn. Hầu hết phòng học ở các điểm lẻ đều tạm bợ; hàng năm nhà trường thiếu hơn 10 giáo viên. Với trường THCS Cư Pui cũng trong tình trạng thiếu giáo viên, thiếu phòng học do học sinh dân tộc Mông tăng đột biến. Trường có hơn 1.000 học sinh thì gần 700 học sinh ở các thôn đồng bào Mông phải đi học cách trường từ 5 km đến 20 km. Nhiều học sinh ở xa không thể đi về trong ngày, phải ở trong những căn lều ở quanh trường do phụ huynh mượn đất dựng tạm. Ông Hoàng Văn Quả, trưởng thôn Ea Lang nhớ lại: “Khi mới vào định cư, nhiều trẻ em trong thôn chưa được đến trường do thiếu phòng học; một số con em do phải đi học xa nên bỏ học”.

Điểm trường THCS Cư Pui ở thôn Ea Lang được xây dựng từ nguồn vốn ổn đinh dân di cư

      Đến nay, xã Cư Pui có 5 trường học gồm 1 trường THCS, 3 trường Tiểu học và 1 trường Mẫu giáo với 125 lớp, 4.016 học sinh. Cơ sở vật chất của các trường đã được đầu tư xây từ nhiều nguồn vốn. 114 phòng học và các khu nhà làm việc, khu bán trú của các trường được xây dựng cao tầng, kiên cố, khang trang, đáp ứng cho việc dạy học, làm việc, không còn phòng học tạm bợ. Chỉ tính từ năm 2010 đến nay, xã Cư Pui được cấp trên đầu tư hơn 40 tỉ đồng từ các nguồn dự án để xây dựng cơ sở vật chất trường học. Đặc biệt, xã Cư Pui đã tận dụng được nguồn vốn tài trợ từ các tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm. Điển hình như công trình trường lớp học trị giá hơn 10 tỉ đồng do ngân hàng VietcomBank tài trợ tại trường Tiểu học Ea Bar; 12 phòng học kiên cố và công trình vệ sinh ở trường Tiểu học Cư Pui 2 trị giá 500 ngàn đô la do Đại sứ quán Mỹ tài trợ; mỗi năm có hàng chục nhóm thiện nguyện tặng hàng ngàn phần quà như: xây nhà ở cho học sinh nghèo, máy vi tính, xe đạp, sách vở, đồ dùng học tập, quần áo, học bổng cho học sinh nghèo trị gia hàng tỉ đồng. Hiện nay dự án ổn định dân di cư tự do đang tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các trường. Thầy Võ Quốc Vinh, phó Hiệu trưởng trường THCS Cư Pui phấn khởi chia sẻ: “Nhà trường có 28 lớp, 1.117 học sinh. Trước đây học sinh người dân tộc Mông phải đi học xa, điều kiện học tập khó khăn nên tỉ lệ học sinh lưu ban, bỏ học rất cao. Từ khi dự án ổn định dân di cư xây dựng cơ sở vật chất và thành lập điểm trường mới tại thôn Ea Lang, giúp cho 19 lớp với gần 700 học sinh người Mông không phải đi học xa nên tỉ lệ học sinh bỏ học đã giảm xuống rõ rệt, chất lượng cũng được nâng lên”.

Tiết mục văn nghệ của các em học sinh trường THCS Cư Pui

      Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên hiện nay đã đủ về số lượng, đảm bảo về năng lực chuyên môn; chất lượng giáo dục của các trường đã tiến bộ vượt bậc. Tỉ lệ học sinh khá, giỏi ngày một tăng; tỉ lệ huy động trẻ ra lớp đạt trên 99%; học sinh lưu ban, bỏ học hàng năm đều giảm. Trường Mẫu giáo Cư Pui từ một trường khó khăn nhất huyện giờ đã trở thành điểm sáng của ngành giáo dục Krông Bông, trường đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Trường Tiểu học Cư Pui 1 đã tập trung nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học, dẫn đầu cấp Tiểu học của huyện, được Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk tặng cờ thi đua; trường Tiểu học Ea Bar đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí để công nhận trường đạt chuẩn quốc gia trong thời gian tới; Trường THCS Cư Pui là trường luôn ở tốp đầu của ngành giáo dục huyện Krông Bông trong các hoạt động thể dục, thể thao, văn nghệ của giáo viên và học sinh; đạt được nhiều giải cao trong các cuộc thi… Cô Võ Thị Kim Thùy, Hiệu trưởng trường Tiểu học Cư Pui 1 chia sẻ: “Chất lượng dạy và học của nhà trường trong những năm gần đây đã được nâng lên rõ rệt. Tuy điều kiện còn gặp nhiều khó khăn nhưng nhà trường đã khuyến khích thầy cô tích cực, tự giác nâng cao năng lực công nghệ- thông tin. 35/35 thầy cô giờ đây đều ứng dụng tốt công nghệ- thông tin vào dạy học”.

Trường Mẫu giáo Cư Pui là điểm sáng về xây dựng trường học xanh- sạch- đẹp- an toàn

Hàng năm có đến hàng ngàn phần quà của các nhà hảo tâm tặng cho học sinh nghèo ở Cư Pui

Học sinh trường Tiểu học Cư Pui 1 được học môn tin học nhiều năm nay từ công tác xã hội hóa

Tùng Lâm