Thành lập, cho phép thành lập trường tiểu học

Lượt xem:


5.1. Trình tự thực hiện:

a) Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) đối với trường tiểu học công lập; tổ chức hoặc cá nhân đối với trường tiểu học tư thục có trách nhiệm lập hồ sơ theo quy định gửi Phòng Giáo dục và Đào tạo;

b) Phòng Giáo dục và Đào tạo nhận hồ sơ, xem xét điều kiện thành lập trường theo quy định. Trường hợp hồ sơ không đầy đủ thì công chức tiếp nhận hồ sơ hướng dẫn bằng văn bản để tổ chức, cá nhân bổ sung cho đầy đủ; nếu từ chối Phòng Giáo dục và Đào tạo phải có văn bản trả lời, nêu rõ lý do.

Trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, nếu thấy đủ điều kiện, Phòng Giáo dục và Đào tạo có ý kiến bằng văn bản và gửi hồ sơ đề nghị thành lập trường đến Ủy ban nhân dân cấp huyện.

c) Ủy ban nhân dân cấp huyện nhận hồ sơ, xem xét điều kiện thành lập trường theo quy định tại khoản 1 Điều 9 của Điều lệ trường tiểu học (Thông tư số 41/2010/TT-BGDĐT ngày 30/12/2010). Trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thành lập trường đối với trường công lập hoặc cho phép thành lập trường đối với trường tư thục; trường hợp chưa quyết định thành lập trường hoặc chưa cho phép thành lập trường, Ủy ban nhân dân cấp huyện có văn bản thông báo cho Phòng Giáo dục và Đào tạo biết rõ lý do và hướng giải quyết.

5.2. Cách thức thực hiện: Trực tiếp tại Văn phòng Phòng Giáo dục và Đào tạo hoặc qua bưu điện.

5.3. Thành phần hồ sơ:

– Đề án thành lập trường;

– Tờ trình về Đề án thành lập trường, dự thảo Điều lệ hoặc Quy chế hoạt động của trường;

– Sơ yếu lý lịch của người dự kiến bố trí làm Hiệu trưởng (có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền);

– Bản sao văn bằng, chứng chỉ hợp lệ của người dự kiến bố trí làm Hiệu trưởng (thực hiện theo Điều 6 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015);

– Ý kiến bằng văn bản của các cơ quan có liên quan về việc thành lập trường;

– Báo cáo giải trình việc tiếp thu ý kiến của các cơ quan có liên quan và báo cáo bổ sung theo ý kiến chỉ đạo của Ủy ban nhân dân cấp huyện (nếu có).

Số lượng bộ hồ sơ: 01 bộ.

5.4. Thời hạn giải quyết: 40 ngày làm việc. Trong đó:

– 20 (hai mươi) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Phòng Giáo dục và Đào tạo nhận hồ sơ, xem xét điều kiện thành lập trường, có ý kiến bằng văn bản và gửi hồ sơ đề nghị thành lập trường đến Ủy ban nhân dân cấp huyện;

– 20 (hai mươi) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, ra quyết định thành lập trường đối với trường công lập hoặc cho phép thành lập trường đối với trường tư thục; hoặc có văn bản thông báo cho Phòng Giáo dục và Đào tạo biết rõ lý do và hướng giải quyết (nếu hồ sơ không đáp ứng đủ điều kiện thành lập).

5.5. Đối tượng thực hiện TTHC:

– Ủy ban nhân dân cấp xã (đối với trường tiểu học công lập);

– Tổ chức hoặc cá nhân (đối với trường tiểu học tư thục).

5.6. Cơ quan thực hiện TTHC:

– Cơ quan, người có thẩm quyền quyết định: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện;

– Cơ quan trực tiếp thực hiện TTHC: Ủy ban nhân dân cấp huyện;

– Cơ quan phối hợp: Phòng Giáo dục và Đào tạo.

5.7. Kết quả thực hiện TTHC: Quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập trường tiểu học của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện.

5.8. Lệ phí: Không.

5.9. Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai: Không.

5.10. Yêu cầu, điều kiện thực hiện TTHC:

a) Có đề án thành lập trường phù hợp với quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của địa phư­ơng, tạo thuận lợi cho trẻ em đến trường nhằm đảm bảo thực hiện phổ cập giáo dục tiểu học;

b) Đề án thành lập trường xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, phương hướng chiến lược xây dựng và phát triển nhà trường; chương trình và nội dung giáo dục; đất đai, cơ sở vật chất, thiết bị, địa điểm dự kiến xây dựng trường; tổ chức bộ máy, nguồn lực và tài chính.

5.11. Căn cứ pháp lý của TTHC: Văn bản hợp nhất số 03/VBHN-BGDĐT ngày 22/01/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Điều lệ trường tiểu học (là văn bản hợp nhất Thông tư số 41/2010/TT-BGDĐT ngày 30/12/2010 với Thông tư số 50/2012/TT-BGDĐT ngày 18/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo).

* Ghi chú:

Điều 6. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức tiếp nhận bản sao:

1. Trường hợp pháp luật quy định nộp bản sao thì cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận bản sao, không được yêu cầu bản sao có chứng thực nhưng có quyền yêu cầu xuất trình bản chính để đối chiếu. Người đối chiếu có trách nhiệm xác nhận tính chính xác của bản sao so với bản chính.

2. Cơ quan, tổ chức tiếp nhận bản sao được cấp từ sổ gốc, bản sao có chứng thực thì không được yêu cầu xuất trình bản chính, trừ trường hợp có căn cứ về việc bản sao giả mạo, bất hợp pháp thì yêu cầu xuất trình bản chính để đối chiếu hoặc tiến hành xác minh, nếu thấy cần thiết.